Tuy nhiên, sự bùng nổ các đô thị chính từ quy hoạch thiếu hợp lý, thiếu quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chậm triển khai và thiếu đồng bộ; sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, lãng phí… đã và đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị hiện tại cũng như trong tương lai. Việc tìm ra các giải pháp hiệu quả, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp cho các đô thị tại Việt Nam vượt qua được nhiều thách thức, mà còn hướng tới tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững.
Thách thức do bùng nổ đô thị
Trong những năm qua, đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Hệ thống đô thị Việt Nam đã tạo ra một diện mạo đô thị mới theo hướng không gian đô thị văn minh và hiện đại, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống chất lượng cao. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6/2012, mạng lưới đô thị quốc gia của Việt Nam đã có 760 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 31% và sẽ đạt khoảng xấp xỉ 45% vào đầu năm tới. Hàng năm, khu vực đô thị đóng góp cho nền kinh tế khoảng 70% GDP và ngày càng khẳng định được vai trò, động lực cũng như là hạt nhân trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và của cả đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố đặt ra cho các nhà lãnh đạo và quy hoạch đô thị trước những thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng. Những thách thức này không chỉ bao gồm việc bảo đảm nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn phải bảo đảm tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm đô thị cũng như đảm bảo các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sự phát triển chưa bền vững, thể hiện trước hết là công tác quy hoạch còn thiếu và chậm so với yêu cầu thực tiễn, hạ tầng thiếu đồng bộ… dẫn đến quá trình phát triển đô thị còn chưa tuân thủ đúng quy hoạch cũng như kế hoạch. Đặc biệt là các yêu cầu nâng cao hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm các chi chí cho các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trở nên ngày càng gay gắt mà các đô thị ở Việt Nam không thể bỏ qua trong quá trình phát triển… Nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, tiềm năng cắt giảm chi phí dành cho yêu cầu này từ 10 – 40% là có khả năng. Tuy nhiên việc cắt giảm này đòi hỏi phải tăng chi phí đầu tư ban đầu lên khoảng từ 30 – 40% trong khi đó, Việt Nam là một đất nước còn đang phát triển, nguồn lực đầu tư còn rất thấp. Đây chính là trở ngại cơ bản để tiết kiệm năng lượng tại các đô thị ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ về năng lượng và tài nguyên tại các trung tâm đô thị ngày một tăng cao. Số liệu nghiên cứu của Siemens cho thấy, hiện một nửa dân số thế giới sống ở các đô thị và dự đoán đến năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người sinh sống tại các thành phố lớn (chiếm khoảng 60% dân số thế giới). Các thành phố này tiêu tốn khoảng 75% nguồn năng lượng và 60% lượng nước sạch của cả thế giới, đồng thời sản sinh đến 70% lượng phát thải khí nhà kính. Đây cũng là gánh nặng cho các đô thị trong việc đặt ra mục tiêu đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải kiểm soát được những ảnh hưởng về sinh thái, cơ sở hạ tầng và xã hội trong quá trình đô thị hóa, đồng thời mang lại cuộc sống chất lượng cao cho cư dân đô thị…
Cơ hội phát triển bền vững
Việt Nam không chỉ đang đứng trước những thách thức về việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho người dân, đảm bảo tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm tâm đô thị cũng như nguồn tài nguyên được sử dụng một cách có hiệu quả mà nó còn phải đối mặt với những thách thức do sự bùng nổ của các thành phố và quá trình đô thị hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Tại cuộc hội thảo “Các thành phố bền vững – Thách thức và cơ hội” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, Việt Nam hiện đang phải đương đầu với việc phát triển bền vững các đô thị. Chúng ta cần phải có các giải pháp tích cực hơn, khoa học hơn để có thể phát triển bền vững các đô thị của Việt Nam. Đô thị là không gian, là môi trường sống đặc biệt, quan hệ xã hội của con người trên một vùng lãnh thổ cụ thể. Vì vậy, mục tiêu phát triển đô thị là tạo lập một môi trường sống. Phát triển đô thị bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp sống còn với toàn thể nhân loại trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo. Tương lai xa hơn trong quá trình phát triển đặc biệt là các nước đang phát triển là khi càng phát triển thì môi trường càng dễ bị hủy hoại. Hiện tượng biến đổi khí hậu gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo và bất ổn xã hội đã trở nên gay gắt hơn. Một mặt, phát triển toàn diện để thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần, an toàn, trật tự xã hội của người dân, cộng đồng và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng mặt khác cũng phải để tránh sự tổn hại và giảm thiểu hậu quả do sự phát triển gây ra và duy trì chất lượng môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực đô thị, mỗi nước đều có những chính sách phù hợp với từng điều kiện cụ thể của mình. Tuy nhiên cũng phải theo một quan điểm thống nhất là bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích các Bộ ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm các nước về các mô hình phát triển bền vững và quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch xây dựng phát triển đô thị có ý nghĩa chiến lược theo hướng phát triển bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh.
Một điểm quan trọng trong phát triển đô thị bền vững chính là vai trò của các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngoài vai trò của nhà nước, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng nói chung để phục vụ cho quá trình phát triển bền vững đô thị. Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, doanh nghiệp với vai trò là động lực phát triển của các thành phố đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải có tiếng nói và vai trò tích cực hơn trong việc phối hợp với chính quyền và các bên liên quan để xây dựng các đô thị phồn vinh và bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ mới trong quá trình phát triển kinh tế, từng bước tạo lập một đô thị hiện đại, nhân văn và bền vững.
Ông Lê Vinh – Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội Khi lập quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng phát triển thủ đô Hà Nội. Trong quá trình quy hoạch, đây là tầm nhìn dài, chiến lược và vấn đề đặt ra là đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Hà Nội mở rộng có diện tích gấp 3 lần so với trước đây và khi mở rộng thì Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều thách thức tuy có cơ hội lớn. Trong quá trình quy hoạch, các nhà làm quy hoạch phải xác định ngay từ đầu quan điểm, mục tiêu và lựa chọn những mô hình phát triển không gian là những yếu tố để đảm bảo phát triển bền vững trong các vấn đề phát triển kinh tế, phát triển xã hội, giải quyết công ăn việc làm, vấn đề môi trường… Nguyên tắc xuyên suốt của quá trình lập quy hoạch, các nội dung và giải pháp đề ra đều phải dựa trên quy hoạch… Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương Tại Việt Nam, việc sử dụng năng lượng tại các đô thị chiếm khoảng 70 – 75%, rác thải, khí CO2 tại các đô thị cũng rất cao so với các khu vực khác. Chính vì vậy, phải đặt ra vấn đề là làm sao để phát triển an ninh năng lượng một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu của các đô thị. Trong 10 năm vừa qua, hệ thống năng lượng phát triển nhanh chóng, năng lực hệ thống năng lượng của chúng ta có thể nói là gấp đôi so với sự phát triển của ngành năng lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng đất nước, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về năng lượng. Tuy nhiên, nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta phải đối mặt với thiếu hụt an ninh năng lượng. Nhiều nơi bị cắt điện, bức xúc trong xã hội rất cao, mặc dù hệ thống điện của chúng ta có công suất 25.000 MW và sản lượng điện sản xuất (năm 2012) hơn 116.000 kWh… Để giải quyết vấn đề năng lượng trong giai đoạn tới, quy hoạch điện lực trong 10 năm tới đến năm 2030, mỗi năm đầu tư khoảng 7 tỷ USD cho hệ thống điện. Thách thức đối với quy hoạch điện đầu tiên là vấn đề vốn đầu tư; nguồn năng lượng sơ cấp như than, khí khan hiếm… Vấn đề đặt ra là chúng ta phát triển các thành phố bền vững trong tương lai bằng việc sản xuất điện năng, sử dụng điện năng, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn… Bà Đỗ Tú Lan – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đô thị (Bộ Xây dựng) Hiện nay ở Việt Nam, dân số đô thị hiện nay khoảng hơn 28 triệu người, chiếm khoảng 31% dân số cả nước. Tuy nhiên, trong định hướng 15, 20 năm tới, chúng ta sẽ phải có sự tiếp nhận và phát triển gần 20 triệu dân đô thị nữa. Như vậy, cả quá trình lịch sử chúng ta đã và đang phát triển các hệ thống đô thị trong toàn quốc mới đáp ứng hiện nay khoảng 27 – 28 triệu người. Chúng ta còn một khối lượng rất lớn trong vòng 10 năm, 20 năm nữa, đó là nhu cầu phát triển rất lớn trong tương lai, đáp ứng nhu cầu phát triển dân số. Vai trò phát triển đô thị là vai trò lớn trong nền kinh tế quốc dân, có thể đóng góp trên 70% GDP trên cả nước. Tuy nhiên, phát triển nhanh như vậy là cơ hội đầu tư phát triển nhưng cũng là áp lực trong hệ thống sử dụng nguồn tài nguyên, đặc biệt là hệ thống sử dụng đất đai cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng lấy từ nguồn năng lượng của đất nước cũng như toàn cầu. Chúng ta hướng tới sự phát triển bền vững và đang tiếp cận rất nhiều mô hình phát triển trong đô thị cũng như nhiều chuyên gia hiện nay đã và đang thảo luận về vấn đề hướng tới thành phố xanh, hướng tới thành phố công nhân, hướng tới mô hình như thế nào vừa phát triển tiếp cận môi trường tốt nhất cho người dân trong định hướng tới, đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên. Phát triển đô thị xanh, chúng ta cũng phải đi từ các công trình cụ thể và mô hình để sau đó phát triển công trình xanh và mỗi một thành phố có nhiều công trình xanh, hệ thống kết nối vùng giao thông công cộng và môi trường kết nối nó, cụ thể, hướng tới phương thức xây dựng một không gian xanh để kết nối thì chúng ta sẽ tạo được đô thị xanh. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho các đô thị xanh, các tòa nhà đó có thể tiết kiệm năng lượng, chúng ta phải tiếp cận công nghệ mới, công nghệ thích hợp để tạo ra tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhất. Bên cạnh đấy, Bộ Xây dựng cũng đã và đang tập trung xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng xanh; hướng tới vật liệu không nung, vật liệu thích hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Tôi cho rằng, đối với một thành phố, chúng ta phải đi vào vấn đề cụ thể thì mới có thể tạo ra môi trường phát triển bền vững trong tương lai… Ông Lê Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ GTVT Mỗi một quốc gia, GTVT gắn liền với sự phát triển kinh tế quốc dân. Với tốc độ phát triển giao thông trên thế giới, các đô thị của chúng ta phát triển theo rất hài hòa, vấn đề đi lại của người dân là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, do bùng nổ dân đô thị, vấn đề kết cấu hạ tầng không theo kịp với vấn đề phát triển kinh tế xã hội cũng như các dân cư phát triển trong thành phố, cho nên mấy năm gần đây đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn là nỗi bức xúc, trăn trở của người tham gia giao thông, đặc biệt là người dân sống tại đô thị và thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh khác. Trong một số triển lãm, mạng lưới GTVT được quy hoạch chi tiết từ vành đại 1 đến vành đai 2, trục hướng tâm; mở các phát triển vận tải công cộng, ví dụ như Thủ đô Hà Nội sẽ có 8 tuyến vận tải công cộng cả ở dưới ngầm và vị trí trên cao, cấp độ lớn, xe buýt nhanh từ đô thị chính thống đến các đô thị vệ tinh, đảm bảo có sự vận chuyển đi lại thông thoáng cho người dân sống trong vùng thủ đô. Ở TP HCM cũng đã quy hoạch 5 tuyến vận tải hành khách công cộng và các tuyến vành đai TP và hàng ngày hàng giờ các công trình công cộng đã được xây dựng và phát triển, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay cả các nước phát triển như ở Đức, ở Châu Âu, vấn đề ùn tắc giao thông cũng là vấn đề cần hoàn thiện, cần phải củng cố và xây dựng để tăng sự phát triển bền vững. Lĩnh vực giao thông là lĩnh vực có thể bàn mãi cũng không hết và muốn thực sự phát triển bền vững thì chúng ta bắt đầu phải làm ngay từ bây giờ… Ông Lothar Herrmann – TGĐ Siemens khu vực Đông Nam Á – Châu Á Thái Bình Dương Siemens là công ty lớn và có nhiều kinh nghiệm trên thế giới về giải pháp công nghệ đô thị. Chúng tôi cho rằng, mục tiêu phát triển đô thị là hướng tới không chỉ là phát triển kinh tế mà còn phát triển không gian sống, môi trường sống trong đó. Siemens có nhiều công nghệ để xây dựng những thành phố thông minh, tòa nhà thông minh sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Trên thế giới, mặc dù có thể có công thức thành công ở một nước nhưng chưa chắc thành công ở nước khác. Không có một công thức nào áp dụng được trong tất cả mọi hoàn cảnh. Vì vậy, cần phải cân nhắc những giải pháp về công nghệ và đánh giá xem công nghệ nó phù hợp đến mức độ nào với tình hình của đô thị và nó có phù hợp với quy định về mặt pháp luật hay không. Chúng tôi chỉ có chức năng tư vấn cho đô thị các nước những công nghệ trên thế giới nhằm xây dựng một đô thị thông minh hơn, xanh hơn, sạch hơn, tòa nhà tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên, cũng cần có sự chung tay góp sức giữa nhà nước và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi tham gia ý kiến và thảo luận rất nhiều với các chuyên gia lĩnh vực khác nhau, với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách để đưa ra giải pháp cuối cùng hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh của từng nước. Đồng thời, có sự liên kết chặt chẽ giữa các tòa nhà với hệ thống GTVT, vệ sinh môi trường, nước sạch… |