Ngành xây dựng phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ngành Xây dựng lần thứ nhất do Bộ Xây dựng phối hợp với Công đoàn Xây dựng Việt Nam triển khai đã chính thức khởi động ngày 9/5 tại công trường dự án Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) với sự tham gia của ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thủy Lệ – Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Ông Lưu Quang Bôn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP và đại diện nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cùng ký giao ước thi đua.

Các đại biểu dự Lễ phát động

Ngành Xây dựng là một trong những ngành có nhiều đặc điểm, yếu tố đặc thù không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động. Những thiệt hại về ATVSLĐ để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho chính người lao động, gia đình và xã hội; hủy hoại một phần những nỗ lực phát triển kinh tế xã hội; làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã phát động Tháng hành động về ATVSLĐ ngành Xây dựng lần thứ 1 năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động do Chính phủ phát động, ngành Xây dựng đã triển khai với mục tiêu thúc đẩy công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động để chủ động phòng ngừa các tai nạn cũng như bệnh nghề nghiệp. Theo đó, ngành Xây dựng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng.


Ông Lưu Quang Bôn – Phó TGĐ (người ngồi thứ 3 từ phải sang) đại diện lãnh đạo TCT ký giao ước thi đua

Tại lễ phát động, 14 Tổng công ty gồm các doanh nghiệp lớn trong ngành đã tham gia ký giao ước thi đua với các nội dung: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành về công tác ATVSLĐ trong xây dựng; tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; tổ chức hệ thống quản lý ATVSLĐ tại đơn vị theo quy định; chủ động đánh giá rủi ro phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra, giám sát về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc; xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; hạn chế thấp nhất để tránh sự cố, cháy nổ, tai nạn lao động nghiêm trọng trong xây dựng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *