Quang cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng; lãnh đạo một số Bộ ngành TW liên quan. Về phía Bộ Xây dựng, dự buổi làm việc có Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các Thứ trưởng cùng đại diện các cục, vụ, viện, các đơn vị sự nghiệp và TCty thuộc Bộ Xây dựng.
Tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự vui mừng được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm, làm việc và chỉ đạo về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Báo cáo với Thủ tướng về một số công việc mà Bộ đã và đang triển khai thực hiện, với trọng tâm đi sâu vào công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng do Quốc hội và Chính phủ giao, trong những năm qua – đặc biệt trong nhiệm kỳ từ 2011 tới nay – Bộ Xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế phủ kín các lĩnh vực của ngành Xây dựng. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về Đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về Quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là Luật Xây dựng 2014 đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các văn bản Pháp luật mới ban hành đã phân định trách nhiệm cụ thể của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, phát triển nhà ở. Trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ đã đề ra các cơ chế quản lý khác nhau đối với các nguồn vốn khác nhau; công tác phát triển đô thị thực hiện theo quy hoạch và có kế hoạch, nhằm tránh tình trạng quy hoạch treo, dự án treo do thiếu nguồn lực thực hiện; vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao trong việc kiểm soát chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng công trình; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia; tăng cường quản lý phát triển vật liệu xây dựng theo các quy hoạch nhằm cân đối cung – cầu và tiết kiệm tài nguyên; thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ; tiếp tục rà soát và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, đối với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Kiểm soát thủ tục hành chính, Quyết định số 263?QĐ-TTg ngày 5/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, công bố thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; đề xuất bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời sửa đổi, bổ sung các thủ tục cho phù hợp yêu cầu quản lý và thực tế phát triển – nhất là các thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư xây dựng. Quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa, công khai và minh bạch các thủ tục hành chính đã tác động khá sâu sắc đến doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư được triển khai thuận lợi, góp phần chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, công tác này giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan được giao thực hiện thủ tục hành chính.
Khái quát nhóm các thủ tục cấp giấy phép quy hoạch xây dựng; thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu lên một số bất cập còn tồn tại (thời gian, tiến độ, chi phí cho các dự án đầu tư), nguyên nhân (chủ yếu do sự thiếu đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chưa có phân định rõ về phương thức quản lý), đồng thời đề xuất với Thủ tướng các giải pháp cơ bản tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, trong đó có việc tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, song đồng thời cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như “thị trường hóa” một cách cực đoan trong đầu tư xây dựng.
Đồng quan điểm và bày tỏ sự nhất trí cao với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Lãnh đạo các Bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ GTVT đều kiến nghị nghiên cứu hoàn thiện các thủ tục liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành cùng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng.
Phát biểu trong buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tầm nhìn tổng quan, toàn diện và cụ thể của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Theo Thủ tướng, chỉ số về thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam năm 2013 đã tăng vượt bậc so với năm 2012, tuy nhiên trên thực tế, nhiều vướng mắc vẫn cần giải quyết: thời gian cấp phép đầu tư xây dựng còn chậm, thiếu minh bạch; thủ tục rườm rà; do đó chi phí công trình cao, và hệ quả là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tốc độ công nghiệp hóa bị ảnh hưởng. Do đó, bên cạnh việc đồng thuận với những điều đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, Thủ tướng chỉ thị cần xoá bỏ những thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng lập kế hoạch hành động cụ thể, với sự phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng đối với Bộ, với các Bộ ngành liên quan và các địa phương; và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế để tiến hành cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thông suốt mọi thông tư hướng dẫn.
Những kết quả đáng khích lệ ngành Xây dựng đạt được thời gian qua trong lĩnh vực quản lý nhà và thị trường bất động sản (đặc biệt nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà vùng ngập lũ…), trong công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao và mong muốn Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phát huy hơn trong những năm tới.