Thưa thớt những
chuyến hàng bốc xếp xi-măng tại cảng Đà Nẵng.
Tại Trung tâm
kinh doanh dịch vụ tổng hợp thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, mức tiêu
thụ các mặt hàng xi-măng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011; cán bộ, công
nhân ở đây nhiều tháng nay chỉ hưởng lương cơ bản. Các công ty kinh doanh 2 mặt
hàng này trên địa bàn cũng giảm mạnh. Ông Bùi Viết Minh, Giám đốc Công ty CP Xi-măng
Hải Vân cho biết, 5 tháng đầu năm 2012, công ty chỉ sản xuất và tiêu thụ được 260
ngàn tấn, giảm hơn 100 ngàn tấn so với 5 tháng của năm 2011.
Hiệp hội Thép Việt
Namthông báo, trong tháng 5-2012, sức tiêu thụ của ngành giảm 60.000 tấn so với
tháng trước, còn khoảng 360.000 tấn. Khó khăn càng chồng chất hơn đối với các
doanh nghiệp sản xuất thép khi giá phôi, thép phế liệu lại đang có xu hướng tăng.
Riêng ở thành phố
Đà Nẵng, ước tính các đơn vị trên địa bàn tồn kho gần 30 ngàn tấn thép. Rất nhiều
đơn vị phải sản xuất cầm chừng với khoảng 50% công suất thiết bị, một số doanh
nghiệp có hướng chuyển cơ sở và đầu tư vào các địa bàn khác, hoặc đang lúng túng
chuyển đổi mặt hàng. Chủ một cửa hàng kinh doanh thép trên đường Điện Biên Phủ cho
biết đã ngừng nhập thép từ cuối tháng 3-2012, hoạt động chính hiện nay là thu hồi
nợ cũ; hơn một nửa số nhân viên đã phải nghỉ việc, số còn lại phải kiêm nhiệm
nhiều việc mới đủ lương. Trước đây cửa hàng có thể nhập mỗi tuần từ 20 tấn thép
và 50 tấn xi-măng, nhưng hiện nay chỉ nhập khoảng 40% so với trước và phải có người
đặt hàng mới nhập, không dự trữ như trước đây.
Nguyên nhân chính
của tình trạng này là do hoạt động của lĩnh vực xây dựng giảm sút, hàng loạt công
trình phải thi công cầm chừng để chờ vốn. Khu vực xây dựng dân dụng cũng giảm mạnh.
Việc ế ẩm 2 mặt hàng này còn là hậu quả công tác quản lý, quy hoạch của ngành Công
thương từ nhiều năm qua, đặc biệt là sự mất cân đối giữa cung và cầu về sản xuất
xi-măng, sắt thép. Nếu toàn bộ các nhà máy sản xuất 2 loại sản phẩm này chạy hết
công suất thì sự chênh lệch giữa cung và cầu là 30%, tức là sản xuất dư 30% hàng
hóa, không tiêu thụ hết. Theo báo cáo của Sở Công thương, 5 tháng đầu năm 2012,
giá trị sản lượng công nghiệp địa phương ước thực hiện 2.203 tỷ đồng, đạt 35,1%
kế hoạch. Một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp giảm mạnh, trong đó
có ngành sản xuất xi-măng, sắt thép…
Nghị quyết 13 của
Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và lãi
suất huy động tiếp tục giảm, sẽ là động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp vực
dậy. Đặc biệt việc nới tín dụng, hạ lãi suất cho vay của ngân hàng hy vọng sẽ tác
động đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, góp phần làm cho thị trường
này ấm lên, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất sắt thép, xi-măng tiêu thụ hàng hóa.
ĐỨC THỊNH – Báo Đà
Nẵng