Bộ Xây dựng tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả Tổ thường trực theo dõi thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo hàng tháng tình hình biến động giá VLXD tại các địa phương và đề xuất các biện pháp xử lý.
Bộ Xây dựng đang rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung các mỏ khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 để phục vụ các dự án Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) , dự án xi măng Phúc Sơn (Hải Dương) , dự án xi măng Mai Sơn (Sơn La) . Ngoài ra, Bộ cũng điều chỉnh mỏ khoáng sản khu vực Áng Sơn (Quảng Bình), mỏ đá vôi Đồng Giao (Ninh Bình) ra khỏi Quy hoạch.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cấp phép hoạt động khoáng sản đá granit, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và một số Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố thuộc Trung ương thực hiện rà soát, đánh giá việc tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với đá granit tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá granit, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc cấp phép thăm dò, khai thác mới.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tiến hành lập Quy hoạch phát triển sản xuất vôi công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian qua, tại một số địa phương chưa xây dựng lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công và tiến hành chứng nhận đầu tư chưa theo quy định về thẩm định dự án, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất … việc cấp chứng nhận đầu tư các cơ sở sản xuất vôi chưa thẩm định kỹ dẫn đến thời gian cấp phép không phù hợp (dự án quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nhưng thời gian cấp phép đến năm 2064) hoặc công suất đầu tư lớn nhưng không có mỏ nguyên liệu, không phù hợp với tổng mức đầu tư; ngoài ra có tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp là những cơ sở sản xuất vôi thủ công trước đây nhằm mục đích hợp thức cho đủ điều kiện xuất khẩu vôi.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo tài nguyên khoáng sản sử dụng hiệu quả, bảo vệ môi trường, tránh đầu tư công nghệ cũ, lạc hậu, tránh cung vượt quá cầu; Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương thực hiện các nội dung sau: Tạm dừng cấp phép đầu tư mới các cơ sở sản xuất vôi khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ; thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư khai thác, chế biến vôi đã cấp chưa được thẩm định phù hợp theo quy định; Xây dựng lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công, gây ô nhiễm môi trường; Rà soát các mỏ khoáng sản được cấp phép sử dụng cho các cơ sở phục vụ sản xuất vôi công nghiệp báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, bổ sung vào Quy hoạch.
Sau khi Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, Bộ Xây dựng đã đề xuất 59 dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, để Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại được giao xem xét, thẩm định cho vay theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực đôn đốc các địa phương sớm xây dựng (hoặc điều chỉnh) Chương trình phát triển nhà ở mà chưa thực hiện xây dựng (hoặc điều chỉnh), khẩn trương rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên phạm vi địa bàn để phân loại các dự án (dự án tiếp tục thực hiện, dự án cần tạm dừng, dựa án cần điều chỉnh), tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở trong việc xác nhận hộ khẩu, thực trạng nhà ở để được vay vốn ưu đãi,…
Thực hiên Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đến nay hầu hết các địa phương đã lập Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng. Để đảm bảo hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 71.000 hộ gia đình có công với cách mạng trong năm 2013, Bộ Xây dựng đã đề nghị với các địa phương thực hiện một số nội dung sau: khẩn trương lập Đề án đối với các địa phương chưa có Đề án để kịp thời bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Ưu tiên thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với nhà ở của người có công với cách mạng bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây dựng mới; Thường xuyên báo cáo thực hiện Chương trình gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai áp dụng Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” nhằm tiết giảm chi phí năng lượng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới). Trong 4 năm tới, IFC sẽ phối họp cùng Bộ Xây dựng soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng để triển khai và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tượng liên quan như: Chủ công trình, cán bộ thẩm định dự án xây dựng, kiến trúc sư và cán bộ kỹ thuật tòa nhà; ngoài ra IFC cũng sẽ tư vấn xây dựng một số tòa nhà thí điểm áp dụng quy chuấn này đế kiểm tra hiệu quả thực tế. Theo Quy chuẩn mới này, đại diện các chủ công trình sẽ phải tuân thủ các quy định bắt buộc về sử dụng năng lượng hiệu quả áp dụng cho các hạng mục gồm lớp vỏ công trình, trang thiết bị (hệ thống chiếu sáng nội thất, hệ thống thông gió, điều hòa không khí, thang cuốn, thang máy, sử dụng điện năng, hệ thống đun nước nóng).
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2013, trong tháng 11/2013, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tính đến tháng 11/2013, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và được Chính phủ thông dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), trình ban hành 08 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 Quyết định, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo 02 Nghị định, 02 Quyết định, 08 Đề án đã trình nhưng chưa ban hành. Ngoài ra, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư.
Tiếp tục kiểm tra việc công bố chỉ số giá xây dựng của các địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức, đơn giá và chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật trong xây dựng và quản lý dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị… phù hợp với đặc điểm thị trường xây dựng Việt Nam và hội nhập quốc tế nhằm tạo lập thị trường xây dựng cạnh tranh, công bằng và minh bạch.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 137/QĐ-BXD ngày 31/01/2013 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ
Giá trị sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng ước thực hiện tháng 11 và 11 tháng năm 2013 cụ thể như sau:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 11 đạt 4.860,7 tỷ đồng, 11 tháng ước đạt 48.823,7 tỷ đồng, bằng 85,1% so cùng kỳ.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT CN xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 11 đạt 4.775 tỷ đồng, 11 tháng đạt 52.303,4 tỷ đồng, bằng 108,8% so cùng kỳ năm 2012.
Tháng 11/2013 sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất ước đạt 4,58 triệu tấn, 11 tháng năm 2013 đạt 46,33 triệu tấn bằng 82,7% kế hoạch năm. Tháng 11 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đã tăng trở lại (ước tháng 11 tiêu thụ nội địa đạt 4,42 triệu tấn, 11 tháng tiêu thụ nội địa ước đạt 42,72 triệu tấn bằng 88,1% kế hoạch năm, xuất khẩu đạt khoảng 12,45 triệu tấn xi măng và clinhker).
+ Giá trị tư vấn: ước thực hiện tháng 11 đạt 156,3 tỷ đồng, 11 tháng đạt 1.216,6 tỷ đồng, bằng 86,5% so cùng kỳ năm 2012.
+ Giá trị SXKD khác (bao gồm cả kinh doanh nhà ở và hạ tầng): ước thực hiện tháng 11 đạt 2.651,2 tỷ đồng, 11 tháng đạt 26.716,8 tỷ đồng, bằng 89,9% so cùng kỳ năm 2012.
Nhập khẩu: ước thực hiện tháng 11 đạt khoảng 3,9 triệu USD, 11 tháng năm 2013 ước đạt 127 triệu USD, bằng 102,1% so với kế hoạch năm. Nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị.
Xuất khẩu: ước thực hiện tháng 11 đạt 14,6 triệu USD, 11 tháng năm 2013 ước đạt 166,1 triệu USD, bằng 94% so với kế hoạch năm.