Cái khó ló “cái liều”
Sàn giao dịch BĐS là nơi trung chuyển hàng hóa
của người bán – người mua dưới sự quản lý điều hành chung của cơ quan hữu trách,
được coi như một cái chợ hợp pháp. Sàn giao dịch BĐS đến nay được quy định rõ ràng
về diện tích, quy mô, yêu cầu nhân sự, tính pháp lý. Tuy nhiên, số lượng các sàn
BĐS đạt chuẩn theo quy định và có thương hiệu nhất định đến nay ngày càng giảm
sút theo diễn biến đi xuống của thị trường địa ốc.
Theo một giám đốc sàn tại khu vực Thái Hà, tỷ
lệ những sàn đáp ứng đủ theo quy định chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số các sàn
treo biển trên thị trường. Ngoài ra, những sàn chỉ đủ pháp lý để lấy chuẩn thì cơ
quan chức năng cũng chưa hoàn toàn kiểm soát được, còn các sàn dưới chuẩn thì khó
có thể hy vọng “độ phủ sóng” của đơn vị quản lý hữu quan… Chính từ đây, những sàn
như vậy chỉ quan tâm tới hoa hồng bằng cách tô vẽ rất hoành tráng về sản phẩm
khách đang quan tâm. Trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn ấy, điều quan trọng là “lùa
gà vào chuồng”, theo cách nói của ông Sơn – Phó giám đốc kinh doanh sàn giao dịch
BĐS TC (Thanh Xuân, Hà Nội). Những sàn uy tín, hạn chế bán hàng “xấu” cho khách
hàng hiện chỉ đếm được rất ít, trong khi có rất nhiều sàn quảng cáo về mình rất
mạnh nhưng thực chất lại thường xuyên cho khách hàng ăn quả đắng vì không tìm
hiểu kỹ trước khi giao dịch. Kiếm được chút nào hay chút đó, mặc kệ khách hàng,
đó là tiêu chí của một bộ phận các sàn làm ăn theo kiểu cố đấm ăn xôi trong bối
cảnh thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay.
Phòng hơn chống
Người mua hàng bây giờ đã thông minh, hiểu biết
hơn sau hàng loạt bài học xương máu trong suốt gần 2 năm qua. Tìm hiểu kỹ thông
tin sản phẩm, nghiên cứu về năng lực chủ đầu tư, thậm chí kiểm tra hiện trường
dự án để yên tâm về tiến độ theo như DN bán hàng cam kết… Tuy nhiên theo ông
Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Cty TNHH Dịch vụ địa chính Hà Nội – thì khách hàng
cần mở rộng các kênh tham khảo để kiểm tra chéo về sản phẩm địa ốc cũng như năng
lực, uy tín của chủ đầu tư (kể cả năng lực vốn). Người dân hiện vẫn chưa có thói
quen nhờ tới các văn phòng Luật để tư vấn hỗ trợ cho mình trước khi đặt bút ký vào
bất cứ hợp đồng, văn bản kinh tế nào. Đây là một điểm tựa vững chắc cho khách hàng
để tránh bị lừa đảo, bị chủ đầu tư hoặc nhân viên sàn giao dịch “tung hỏa mù” về
sản phẩm. Thậm chí, người mua có thể nhờ trực tiếp các văn phòng công chứng hoặc
tới địa phương nơi dự án được thực hiện để tìm hiểu thông tin thông qua các cơ quan
quản lý hành chính địa phương. Điều này thoạt nghe có vẻ mất thời gian nhưng hoàn
toàn cần thiết. Theo ông Tùng, “đừng vì ngại tiếc thời gian mà bỏ qua các khâu
này. Nếu là giao dịch thuê nhà để ở nói chung thì không đáng nói. Còn nếu là mua
nhà, mua căn hộ thì nên tuân theo các quy trình đó. Thà mình chấp nhận bỏ lỡ cơ
hội mua được sản phẩm giá rẻ nhất thời, còn hơn ăn quả lừa rồi lại hối không kịp.”
Làm ăn kinh doanh luôn phải đặt chữ tín lên hàng
đầu. Những đơn vị môi giới như sàn giao dịch BĐS thì càng cần chú trọng đến việc
củng cố niềm tin nơi khách hàng – điều tạo nên thương hiệu của DN. Cách làm ăn
kiếm lợi từ sự sao nhãng, thiếu hiểu biết hoặc niềm tin đặt sai chỗ của khách hàng
của không ít sàn giao dịch BĐS hiện nay sẽ đưa chính họ vào “cửa tử”, bởi vàng
thau sẽ rõ khi thị trường thoát cơn trọng bệnh…