Công ty cổ phần Bạch Đằng 5 không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Cách đây 50 năm, ngày 13 -7 – 1961 Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hải Phòng nay là Công ty cổ phần Bạch Đằng 5 được thành lập theo quyết định của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hải Phòng cùng với Nhà máy Bê tông Chèm Hà Nội là 2 nhà máy bê tông đầu tiên của miền Bắc do Trung Quốc viện trợ xây dựng.
Trải qua 50 năm xây dựng, Công ty cổ phần Bạch Đằng 5 không ngừng lớn mạnh trở thành đơn vị có uy tín trong lĩnh vực sản xuất bê tông, xây lắp, thương hiệu được khẳng định trên nhiều công trình lớn, công trình trọng điểm.

Phối cảnh công trình trụ sở Kho bạc nhà nước thành phố Hải Phòng do Công ty CP Bạch Đằng 5 thi công xây dựng


Chặng đường vẻ vang

Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hải Phòng lúc mới thành lập chỉ có 160 CBCN lao động, trong đó đảng viên, cán bộ lãnh đạo đều là bộ đội và thanh niên xung phong chuyển ngành. Sau 9 tháng chuyển giao công nghệ từ chuyên gia Trung Quốc, cán bộ công nhân nhà máy nhanh chóng làm chủ thiết bị. Các sản phẩm bê tông đúc sẵn với những tiện ích được đưa vào phục vụ lắp ghép các công trình nhà ở, công trình công cộng của thành phố đáp ứng yêu cầu thời kỳ hòa bình lập lại. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng CNXH ở miền Bắc, nhà máy tham gia xây dựng nhiều công trình lớn  như các nhà máy Xay, Cá hộp Hải Phòng, Ắc quy, Thủy tinh, Sắt tráng men nhôm, Nhựa Tiền Phong, Đóng tàu Bạch Đằng Hải Phòng và Bệnh viện Hữu nghị Việt -Tiệp Hải Phòng góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, nhà máy đúc hàng vạn ống phòng không phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân phòng chống máy bay Mỹ oanh tạc. Đơn vị tự vệ của nhà máy phối hợp với đơn vị Bộ đội phòng không cùng quân và dân thành phố bảo vệ an toàn cầu Xi măng, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch của miền Bắc. Trong  chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhà máy đúc hàng vạn cấu kiện bê tông làm hầm chiến đấu cho bộ đội quân khu Đông Bắc. Cũng trong giai đoạn 1978-1985, nhà máy tham gia xây dựng nhiều công trình công nghiệp, dân dụng, văn hóa yêu cầu chất lượng cao như Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2, Trung tâm phục hồi chức năng, Cung văn hóa Hữu nghị Việt -Tiệp, các khách sạn cao cấp tại Đồ Sơn.

Đổi mới sản xuất, đa dạng sản phẩm

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đơn vị đứng trước những khó khăn về thị trường, nhiều công trình xây dựng đình hoãn, cắt giảm vốn đầu tư, lạm phát tăng vọt, ảnh hưởng lớn đến  việc làm, đời sống người lao động. Với quyết tâm cao, lãnh đạo đơn vị chủ động tháo gỡ vướng mắc, tìm việc làm, nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu thị trường. Do vậy, nhiều sản phẩm như: cột điện vuông phục vụ việc phát triển mạng lưới điện nông thôn; các loại tấm đan, xà, dầm lắp ghép cho các hộ dân…ra đời. Bên cạnh đó, mặt hàng truyền thống như cột điện ly tâm, ống nước các loại vẫn duy trì cung cấp cho khách hàng Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Công ty tiếp tục mở rộng ngành nghề, trúng thầu và tham gia thi công xây lắp nhiều công trình như: Cải tạo mở rộng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Nhà máy Xi măng Chinfon và nhiều công trình dân dụng như: nhà khách Bến Bính, Ngân hàng Ngoại thương Hải Phòng, thư viện tổng hợp tỉnh Hải Dương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Móng Cái, nhà chung cư D Đồng Quốc Bình, Kho bạc thành phố Hải phòng, Ký túc xá sinh viên Hải Dương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Sơn thành phố Hà Nội…

Là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả, đơn vị được chọn làm điểm chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần thực  hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa 6 về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và đổi tên thành Công ty cổ phần Bạch Đằng 5. Tiếp đó, được sự quan tâm của thành phố, công ty chuyển đến Khu công nghiệp Đình Vũ và được đầu tư trở thành một nhà máy bê tông hiện đại. Từ đây tạo ra vị thế mới cho công ty.

Công ty đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật. Do vậy, nếu năm 1996 tổng giá trị sản lượng công ty mới đạt 15 tỷ đồng, đến năm 2004 giá trị sản lượng đạt mức 53 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2005 đến 2010, công ty có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản lượng từ 69 tỷ đồng (năm 2005) tăng lên 205 tỷ đồng (năm 2010).  Lợi nhuận năm 2005 là 1,9 tỷ đồng, tăng lên 3,1 tỷ đồng vào năm 2010. Thu nhập bình quân của CNVC gần 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Xác định sản xuất công nghiệp luôn là ngành nghề truyền thống, trong năm nay và những năm tới, công ty tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý tiết kiệm để giảm chi phí, bố trí lao động hợp lý, phát huy công suất thiết bị cùng với sự linh hoạt đáp ứng yêu cầu khách hàng để sản xuất công nghiệp chiếm 40% giá trị tổng sản lượng của đơn vị. Đặc biệt, với dây chuyền 2 của dự án: “Sản xuất sản phẩm bê tông dự ứng lực” đưa vào hoạt động trong năm nay, công ty sẽ nâng tỷ trọng sản xuất công nghiệp lên hơn 40% giá trị sản lượng của công ty và 50% vào những năm tới. Cùng với sản xuất công nghiệp, công ty tiếp tục đầu tư phương tiện, thiết bị, đáp ứng yêu cầu thi công xây lắp các công trình trọng điểm, công trình hạ tầng, phấn đấu giá trị sản lượng xây lắp đạt 165 tỷ đồng trong năm nay.

Một số phần thưởng cao quý trong 50 xây dựng và phát triển:

+ 1 Huân chương Lao động hạng nhì.


+ 5 Huân chương Lao động hạng ba tặng tập thể và cá nhân


+ 5 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng cá nhân;


+ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND  thành phố tặng nhiều Bằng khen, Huy
chương vàng, 3 Bằng Lao động sáng tạo