Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như: Chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Bộ Xây dựng thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; có ý kiến thống nhất bằng văn bản để UBND cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch xây dựng cụ thể theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản về xác định cơ cấu hàng hoá, cân đối cung cầu, thực hiện các chính sách, giải pháp điều tiết và bình ổn thị trường; tổ chức xây dựng và công bố định kỳ chỉ số giá bất động sản…

Cơ cấu tổ chức gồm 25 đơn vị

Theo Nghị định, Bộ Xây dựng có 25 đơn vị gồm: 1- Vụ Quy hoạch-Kiến trúc; 2- Vụ Vật liệu xây dựng; 3- Vụ Kinh tế xây dựng; 4- Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; 5- Vụ Kế hoạch-Tài chính; 6- Vụ Quản lý doanh nghiệp; 7- Vụ Pháp chế; 8- Vụ Hợp tác quốc tế; 9- Vụ Tổ chức cán bộ; 10- Văn phòng Bộ; 11- Thanh tra Bộ; 12- Cục Quản lý hoạt động xây dựng; 13- Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; 14- Cục Phát triển đô thị; 15- Cục Hạ tầng kỹ thuật; 16- Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; 17- Cục Công tác phía Nam; 18- Viện Kinh tế xây dựng; 19- Viện Khoa học công nghệ xây dựng; 20- Viện Kiến trúc quốc gia; 21- Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; 22- Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; 23- Báo Xây dựng; 24- Tạp chí Xây dựng; 25- Trung tâm Thông tin.

Theo : chinhphu.vn