Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng : Bước đi vững chắc trên chặng đường 50 năm

Cách đây 50 năm, ngày 31-8-1958, Công ty Kiến trúc Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng) được thành lập theo Quyết định của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). 50 năm qua, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào và trở thành doanh nghiệp có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng ở Hải Phòng cũng như cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Từ 5 đơn vị trực thuộc với 1.223 cán bộ, công nhân viên chức khi mới thành lập, trong đó chỉ có một số cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp, cùng hơn 200 đội viên thanh niên xung phong Hải Phòng chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng và một số hợp đồng tạm tuyển, phương tiện, thiết bị kỹ thuật rất thiếu thốn, nhưng lãnh đạo Tổng Công ty nhanh chóng ổn định tổ chức và bắt tay vào đảm nhiệm xây dựng các công trình đầu tiên Hải Phòng ngay sau ngày hoà bình lập lại. Hàng loạt công trình có quy mô lớn đánh dấu thời kỳ phục hồi sau chiến tranh cũng như xây dựng CNXH như các nhà máy : Cá hộp tại Hải Phòng và Cát Bà, 3 Nhà máy Xay, Ắc quy, Thuỷ Tinh Hải Phòng, Sắt tráng men nhôm, Nhựa Tiền Phong; các công trình phục vụ đời sống như : Trạm điện An Lạc, Bệnh viện Việt Tiệp, khu nhà ở công nhân cá hộp, các khu phúc lợi và trụ sở làm việc của công ty…với tổng số 64 công trình góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ này. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Tổng Công ty chuyển sang xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu. Một lực lượng lao động lớn của tổng công ty được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông tuyến đường sắt Hải Phòng-Hải Dương, đồng thời bám trụ sản xuất xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu như : sân bay Kiến An, sân bay Kép, các kho xăng dầu, các trạm điện…với gần 100 công trình đạt tiến độ, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật.

Sau ngày đất nước thống nhất đất nước, được nhà nước và Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ xây dựng các công trình đòi hỏi cao về kỹ thuật, mỹ thuật, nhưng vượt lên trên những khó khăn, những người thợ xây dựng của Tổng Công ty đã nỗ lực không ngừng cho ra đời hàng loạt các công trình có ý nghĩa lớn như : Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy cơ khí Vật Cách; Trung tâm phục hồi chức năng lao động Kiến An; Nhà nghỉ công đoàn; Khác sạn Hải Âu và hàng loạt các biệt thự tại khu du lịch Đồ Sơn…giá trị tổng sản lượng của Tổng Công ty thời kỳ này liên tục tăng 4-5 lần/năm.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, các đơn vị xây dựng thuộc các thành phần kinh tế “bung” ra cạnh tranh quyết liệt, dẫn đến sự mất cân đối giữa năng lực sản xuất của đơn vị với khối lượng công việc được giao và tự khai thác. Đây cũng là thời kỳ đầy thách thức đối với Tổng Công ty, khi đơn vị chỉ giải quyết được việc làm cho khoảng 50% lao động, đời sống của công nhân hết sức khó khăn.

Nhưng chính trong thử thách, lãnh đạo tổng công ty và các đơn vị thành viên đã mạnh dạn đề ra các giải pháp, xây dựng cơ chế tạm thời nhằm tìm kiếm việc làm, tạo sự chủ động cho cấp dưới, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, điển hình là “cơ chế cấp đội”. Những giải pháp trên không những tạo ra sự chủ động cho các đơn vị thành viên mà còn nâng cao trình độ quản lý, tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi phí xây dựng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công trình, vì vậy, phần công việc tự cân đối luôn chiếm 70-75% tổng sản lượng của đơn vị trong thời gian 1993-1996. Đặc biệt, với kinh nghiệm trong xây dựng các công trình công nghiệp, nhất là công nghiệp xi măng, từ năm 1994, Tổng Công ty được giao nhiệm vụ xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, tiếp đến Nhà máy Xi măng Chifon, Nhà máy Xi măng Bút Sơn, Xi măng Sao Mai…tạo ra nhiều việc làm và tăng giá trị sản lượng hàng năm. Tổng Công ty cũng đầu tư nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, nhằm tăng năng lực sản xuất, do vậy, nhiều công trình vượt tiến độ, được Bộ Xây dựng đánh giá cao về năng lực sản xuất.

Với 50 năm xây dựng, từ một công trường khu vực nay là tổng Công ty với hơn 20 đơn vị thành viên, hơn 5000 cán bộ công nhân viên. Các công ty con, công ty liên kết có khả năng đảm nhiệm nhiều ngành nghề như : thi công xử lý nền móng công trình; khoan nổ mìn, gia công lắp dựng kết cấu thép; lắp đặt các thiết bị cơ điện, nước; hoàn thiện trang trí nội, ngoại thất; sản xuất các loại vật liệu xây dựng; ống nhựa nhôm nhiều lớp, ống i-nox; xuất nhập khẩu và cho thuê máy móc, thiết bị… các công trình thi công đạt trình độ quốc gia, quốc tế, được chuyên gia các nước đánh giá cao. Tại công trình mở rộng dây chuyền 2, 3 Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch; công trình xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và công trình Nhà văn hoá Ô-ki-na-oa (Nhật Bản) toàn bộ những khâu phức tạp trước đây phải nhờ chuyên gia nước ngoài nay hoàn toàn do tổng công ty thực hiện, điều này đã khẳng định năng lực của đơn vị trong thời kỳ hội nhập. Trong 50 năm qua, đơn vị đã có hơn 40.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất và tiết kiệm nhiều tỷ đồng, tổng công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000-2001ở khối cơ quan và một số đơn vị thành viên. Cùng với phát triển sản xuất, tổng công ty luôn chăm lo xây dựng các tổ chức. Đảng bộ tổng công ty nhiều năm được Thành uỷ tặng cờ “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”; tổ chức Công đoàn được công nhận “Công đoàn vững mạnh xuất sắc; Đoàn thanh niên được Trung ương Đoàn và Thành đoàn tặng cờ đơn vị khá nhất về công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng; Trung đoàn tự vệ luôn giữ vững đơn vị khá và nhiều năm đạt danh hiệu “Trung đoàn quyết thắng”.

Ghi nhận quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị trong 50 năm, Đảng và Nhà nước, Bộ Xây dựng tặng thưởng 1 Huân chương độc lập hạng Ba, 3 Huân chương Lao động hạng nhất; tuyên dương 1 Anh hùng Lao động, 6 chiến sĩ thi đua toàn quốc và hàng trăm huân chương, huy chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Càng tự hào với bề dày truyền thống của đơn vị, những người thợ của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng càng tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với những thách thức ngày càng lớn hơn, đó là phải tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quản lý mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, mở rộng liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài, tạo thế và lực mới cho doanh nghiệp.