Hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt Nam

Tại cuộc gặp mặt thân mật ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2012 tại Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) cùng Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, vị tư lệnh của ngành kiến trúc, quy hoạch và xây dựng đã khen ngợi, động viên và nhắc nhở Viện (VIAP) về những việc đã làm tốt và những việc chưa làm được, cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Một trong những việc chưa làm được
là: có hay không có và đâu là bản sắc kiến trúc Việt Nam?
Một câu hỏi mà đã hơn nửa thập kỷ qua chưa có lời giải đáp.

 

Cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội (2008) và vấn
đề bản sắc kiến trúc Việt
Nam

Mỗi một quốc gia, một dân tộc, một vùng miền đều
có một nền văn hóa riêng đặc trưng cho quốc gia ấy, dân tộc ấy, vùng miền ấy. Đặc
trưng tiêu biểu nhất cho một quốc gia, một dân tộc không gì khác chính là bản sắc
văn hóa của quốc gia đó, dân tộc đó. Trong các loại hình văn hóa vật thể thì công
trình kiến trúc có lẽ là sản phẩm văn hóa lâu đời nhất cho đến nay. Từ thời
nguyên thủy khi con người bắt đầu biết sử dụng lửa để nấu chín thức ăn họ cũng đã
tự xây dựng những ngôi nhà, hay túp lều bằng các vật liệu như gỗ, đá, xương động
vật và kiến trúc đã ra đời từ đó. Cùng với hàng triệu năm tiến hóa của con người
các công trình kiến trúc hiện nay đã là biểu tượng rõ nét nhất của các nền văn
hóa.

Việt Nam
được nhiều nhà sử học ghi nhận là có bề dày lịch sử khoảng 3.000 – 4.000 năm hoặc
nhiều hơn thế. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di tích chứng minh loài người đã
từng sống tại Việt Nam
từ thời kỳ đồ đá cũ.

Vào thời kỳ đồ đá mới, các nền văn hóa Hòa Bình
– Bắc Sơn tại vùng này đã phát triển về chăn nuôi và nông nghiệp, đặc biệt là nghệ
thuật trồng lúa nước. Nền kiến trúc Việt Nam
cũng đã manh nha, từng bước hình thành từ đó. Ngày nay kiến trúc truyền thống
Việt Nam được
chia thành các loại hình sau:

Kiến trúc quân sự – quốc phòng: Đây là loại hình
kiến trúc bao gồm thành lũy, pháo đài, đồn, cửa ô… Những kiến trúc quân sự quốc
phòng cổ Việt Nam
có mặt bằng bố cục gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều,
hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác (Thành Cổ Loa).

Nhà ở dân gian: Các ngôi nhà ở dân gian đều
qua một quá trình chuyển biến từ nhà sàn đến nhà nền đất. Nhà nền đất vùng xuôi
có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay lá dừa nước;
nếu là kết cấu khung gỗ loại tốt lại thường được lợp bằng ngói, tường bao quanh
bằng gạch hoặc tường gạch chịu lực với vì kèo gỗ. Khuôn viên nhà bao gồm: nhà chính,
nhà phụ (nhà ngang), nhà bếp và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể
nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Nhà chính có số gian lẻ (1, 3 hay 5)
cùng với 1 hoặc 2 chái.

Kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng: Các công trình
tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam có thể kể đến 3 dạng công trình chính đó là chùa
tháp, đền miếu và đặc biệt nhất, thuần Việt nhất đó là đình làng. Đình làng
nguyên là nơi thờ thành hoàng theo phong tục tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam
cổ đại. Vì vậy nó thường được xếp vào thể loại công trình phục vụ cho tôn giáo,
tín ngưỡng. Tuy nhiên, đình làng còn là một công trình thuộc thể loại kiến trúc
công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó. Ngoài chức năng là
nơi thờ Thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm hành chính, quản trị phục
vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của hội đồng kì
mục trước đây (trong thời phong kiến); là nơi hội họp của dân làng…

Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền
thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng. Nói chung, với ba chức năng cơ
bản trên (tín ngưỡng, hành chính, văn hóa – văn nghệ), đình làng là nơi diễn ra
mọi hoạt động của làng xã Việt Nam
gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến trúc thuần Việt
nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian.
Đây là thế giới cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên
các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong (dong)… là
nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao
động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động.
Chính vì vậy, các điêu khắc đình làng còn có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu
về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam
trước đây. Nó có giá trị lịch sử sâu sắc đại diện cho bản sắc văn hóa của một
loại công trình kiến trúc Việt Nam.

Năm 2008 một cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội (vị
trí được xác định tại Quảng trường Ba Đình hiện nay) đã được tổ chức nhằm chọn
ra phương án tốt nhất, phù hợp với các yêu cầu của cuộc thi mà một trong các yêu
cầu đó có liên quan đến việc cần phù hợp với bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Trong kỳ thi phương án kiến trúc Nhà Quốc hội
ngày đó, có 17 phương án dự thi được chấm điểm và đem ra triển lãm. Năm trong số
17 phương án đã đoạt giải bao gồm 1 giải A và 4 giải khuyến khích.

Qua cuộc thi này điều đáng mừng là các ý tưởng
táo bạo của nền kiến trúc hiện đại đã lên ngôi (tuy chưa phải hoàn toàn của người
Việt Nam nghiên
cứu vì cuộc thi này có 7 phương án là của người nước ngoài). Song điều đáng buồn
là như một số nhà phê bình kiến trúc ngày ấy nhận định rằng không còn phương án
“hoài cổ” nữa.

Không hoài cổ nữa có nghĩa là đã quên đi bản
sắc văn hoá của dân tộc, quên đi lịch sử của dân tộc và quên đi chính mình.

Khi được ban tổ chức cuộc thi yêu cầu chỉnh sửa
phương án được giải A, trong đó có yêu cầu phù hợp với bản sắc kiến trúc Việt Nam,
các tác giả của phương án này đã nêu câu hỏi bản sắc kiến trúc Việt Nam
là gì? Và câu hỏi đó không có lời giải đáp một cách thỏa đáng!

Tại sao nơi hội họp lớn nhất của quốc gia lại
không thể là “ngôi đình quốc gia” – cái tiêu biểu nhất trong tất cả các
“đình làng” trước đây và các “đình đô thị” ngày nay. Và nếu đã là “đình
quốc gia” tại sao nó không thể có hình thức như những ngôi đình đã được quốc
gia xếp hạng. Xếp hạng để mà xem, để mà nhớ, hay xếp hạng để các thế hệ hôm nay
và mai sau tiếp bước mà phát huy, phát triển bản sắc riêng của dân tộc mình, của
quốc gia mình.

Điểm thành công nhất của phương án đoạt giải
A là đã bảo tồn gần 4ha khu di tích khảo cổ A, B, C, D của 5 thời kỳ văn hoá lịch
sử của dân tộc: Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Điểm chưa thành công nhất của phương
án giải A là chưa khai thác cái tinh tuý nhất, cái bản sắc của các công trình
kiến trúc còn nằm trong lòng đất của 5 thời kỳ văn hóa ấy, song hình thức kiến
trúc của nó còn tồn tại trong hàng ngàn di sản kiến trúc – văn hóa – lịch sử đã
được quốc gia xếp hạng trên mặt đất để mà đúc kết, phát huy, phát triển và đưa
vào kiến trúc ngoại thất của công trình. Dù rằng đã có nhiều ý kiến bình luận, đóng
góp song phương án được phê duyệt và đang xây dựng ngày hôm nay chưa giải quyết
được câu hỏi này.

Đâu là bản sắc kiến trúc?

Nhìn sang các quốc gia láng giềng nhiều người
trong chúng ta đã từng nhận xét kiến trúc công trình của họ thể hiện rõ bản sắc
của các quốc gia đó. Chẳng hạn như: Nhà quốc hội Campuchia đã được đưa vào sử dụng
trong năm 2008, rõ ràng đã thể hiện được bản sắc kiến trúc riêng của họ. Hoặc
khi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), tại cột mốc 171 nhìn sang phía Campuchia
nhiều người đã trầm trồ khen ngợi công trình kiến trúc cửa khẩu của họ rằng:
“Thấy ngay bản sắc văn hóa kiến trúc Campuchia”. Song khi nhìn ngược
lại phía cửa khẩu Việt Nam
đều lắc đầu “chẳng thấy bản sắc Việt Nam?”.

Vậy điều gì đã tạo ra cảm giác có bản sắc văn
hoá kiến trúc của các quốc gia đó? Chính là hình thức kiến trúc bên ngoài của các
công trình đó, mà bắt đầu từ: 1. Hình thức mái công trình; 2. Kết cấu mái công
trình; 3. Độ dốc mái; 4. Màu sắc của mái; 5. Vật liệu làm mái; 6. Độ cong của mái;
7. Các chi tiết của mái; 8. Các chi tiết cột, cửa và chạm khắc trên thân của công
trình… Cả 3 công trình điển hình đó của 3 quốc gia nêu trên đều có những điểm
rất giống nhau và đại diện cho Đông Nam Á là: mái ngói, song lại rất khác nhau
và rất đặc trưng cho từng quốc gia bởi sự khác nhau của những chi tiết kiến trúc
nêu trên.

Tiếp tục hành trình đi tìm bản sắc

Phát biểu của Bộ trưởng Xây dựng nhân ngày Báo
chí Cách mạng Việt Nam về vấn đề bản sắc kiến trúc Việt Nam vừa là sự động viên,
nhắc nhở, song cũng là ý kiến chỉ đạo của vị Tư lệnh ngành với giới báo chí của
ngành, các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp, trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch,
xây dựng.

Nếu thế hệ các nhà khoa học hôm nay còn tiếp
tục im lặng, liệu có phải kiến trúc Việt Nam
không có bản sắc?

Mong rằng các nhà khoa học hãy cùng nhau tiếp
tục cuộc hành trình đi tìm đâu là bản sắc kiến trúc Việt Nam.
Việc tìm ra được câu trả lời chắc chắn sẽ làm cho Luật Kiến trúc đang được đề xuất
soạn thảo tăng thêm phần giá trị.

PGS. TS Lưu Đức Hải
Nguyên Viện trưởng Viện
Quy hoạch đô thị – nông thôn,
Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị.