Quỹ tiết kiệm nhà ở: Dòng vốn bền vững cho phát triển nhà ở xã hội

Trong thời điểm thị trường BĐS đang gặp khó khăn kéo dài như hiện nay, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở được dư luận đánh giá với nhiều điểm tích cực, đây có thể là dòng vốn bền vững cho thị trường BĐS, là giải pháp cho những người nghèo, thu nhập trung bình trở xuống có điều kiện tiếp cận được nhà ở.


Nhà TNT ở TP Huế
đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng đối tượng được mua không có tiền mua.

Xã hội hóa phát
triển nhà ở

Thứ trưởng Bộ Xây
dựng Nguyễn Trần Nam
khẳng định: Vốn đầu tư cho nhà ở rất lớn, ngay ở các nước phát triển cũng không
thể bao cấp nhà ở cho dân được. Điều kiện Việt Nam
càng không đủ sức, nhưng Nhà nước hỗ trợ cho việc tạo lập quỹ nhà. Việc thành lập
Quỹ tiết kiệm nhà ở rất cần thiết, tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển mạnh
hơn, giảm sự lệ thuộc nguồn vốn vào các kênh khác… Thứ trưởng phân tích: “Quỹ tiết
kiệm sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít, xã
hội hóa việc phát triển nhà ở. Thay vì phải sử dụng vốn ngân sách thì sử dụng vốn
nhàn rỗi, tiết kiệm của người dân. Với hơn 9 triệu lao động đang hưởng lương, nếu
mỗi người đóng 1% tiền lương mỗi tháng, mỗi năm quỹ sẽ có không dưới 10 nghìn tỷ
đồng. Số tiền này sẽ góp phần đáng kể giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân”.

Thực tế hiện nay,
việc triển khai các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội đang rất khó khăn do
thiếu vốn. “Đầu vào” thì DN không có tiền để triển khai, “đầu ra” thì người dân
không có tiền để mua nhà trong khi nhu cầu còn rất lớn. Từ trước tới nay chưa có
một tổ chức tín dụng, ngân hàng nào chuyên về cho vay nhà ở, DN cũng như người
dân luôn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng (chưa kể được ưu đãi )… Chính
vì vậy cả DN và người dân đang kỳ vọng vào sự trợ giúp cho cả bên cung lẫn bên
cầu mà mục đích của Quỹ tiết kiệm nhà ở đã đặt ra, khơi thông lại dòng chảy nguồn
vốn cho phát triển nhà ở.

Ông Đặng Hoàng
Huy – Tổng giám đốc VINACONEX Xuân Mai – DN đầu tiên thực hiện dự án nhà thu nhập
thấp cho biết, mô hình này các nước làm rất thành công, phát triển được quỹ nhà
ở xã hội lớn. Các DN đầu tư nhà ở xã hội và người mua được hỗ trợ với các khoản
vay trung và dài hạn, mức lãi suất thấp. Nếu thực hiện được, sẽ khuyến khích các
DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhiều người dân sẽ có cơ hội mua được nhà ở.

Khi trao đổi về hình
thức tiết kiệm để được vay tiền mua nhà, chị Lê Thu Hà – một trong những người
dân mua nhà thu nhập thấp dự án Kiến Hưng, Hà Đông chia sẻ, căn nhà trị giá gần
800 triệu đồng, còn thiếu khoảng hơn 100 triệu đồng, chị đã mang hồ sơ đi hết các
ngân hàng để hỏi vay nhưng không đâu chấp nhận. “Nếu có chương trình như thế,
chắc chắn mình sẽ tham gia, bởi nếu được vay tiền, mình sẽ không phải lâm vào cảnh
phải tính nước trả lại nhà như hiện nay”, chị Hà nói. Còn anh Nguyễn Văn Hợp – cư
dân nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm khẳng định: Với thu nhập trung bình, nếu phải
bỏ ra một lúc 500 – 700 triệu để mua nhà thì rất khó khăn. Đóng 30 – 50% tiền
nhà thì có thể lo được, còn lại được trả chậm trong 15 năm với lãi suất ưu đãi,
nếu dành dụm, tiết kiệm vẫn có thể trả được.

Khuyến khích mọi đối
tượng tham gia

Theo đề xuất của
Bộ Xây dựng, Quỹ tiết kiệm nhà ở khuyến khích mọi đối tượng tham gia, mô hình
thứ nhất sẽ tập trung cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội hoặc cho các
DN vay đầu tư xây dựng nhà xã hội. Nguồn vốn để hình thành quỹ này từ tiền sử dụng
đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án KĐTM, ngân sách địa
phương và ngân sách trung ương cấp ban đầu, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số,
trái phiếu nhà ở. Người tham gia quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào
quỹ tối thiểu 30% giá trị nhà ở cần mua và đóng tối thiểu 5 năm, trả chậm trong
15 năm. Mô hình thứ 2 là người có nhu cầu tham gia đóng quỹ, không được huy động
từ nguồn khác, người tham gia sẽ được cho vay sau khi đóng 50% giá trị căn nhà muốn
mua.

Theo các chuyên
gia, quy định như vậy sẽ mang lại tính khả thi cao đã nhắm vào đúng đối tượng có
nhu cầu về nhà ở, có nhu cầu vay mua nhà mà không tạo sức ép lên toàn xã hội, nếu
thấy có lợi nhiều người dân sẽ tham gia. Chuyên gia nhận định, nhu cầu của người
dân về nhà ở, nhất là nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn rất lớn, chắc chắn sẽ rất
nhiều người muốn tham gia quỹ này. Ông Cương Nghị – Tổng giám đốc Cty CP phát
triển Nam Long cho rằng, đã đến lúc thị trường BĐS Việt Nam cần thiết lập quỹ tiết
kiệm nhà ở nhằm tham gia điều chỉnh quan hệ cung cầu, tạo điều kiện tài trợ người
mua nhà thực sự, bổ sung tính thanh khoản cho thị trường, hỗ trợ bảo lãnh cho
chủ đầu tư có điều kiện phát triển thêm các dự án.

Việc quản lý, vận
hành nguồn vốn như thế nào để quỹ bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, bảo đảm mọi
người đều bình đẳng khi tham gia và hưởng lợi từ quỹ cũng chính là điều các DN
cũng như người dân đang rất quan tâm. Ông Đặng Hoàng Huy trăn trở: DN làm dự án
nhà xã hội rất trông chờ, nhưng điều quan trọng là quản lý, sử dụng quỹ thế nào
để tránh tình trạng xin – cho. Ông Trần Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Cty Vinaland
cho rằng, để bảo đảm Quỹ quản lý, vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực phải có
cơ chế giám sát chặt chẽ, sự minh bạch. Người dân đã tự nguyện tham gia đóng góp
thì phải làm có uy tín, đạt được niềm tin của cộng đồng. Theo ông Lê Minh Khánh
– Giám đốc Phát triển kinh doanh Coldwell Banker Việt Nam,
việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa hấp dẫn các DN do mức sinh lợi
rất thấp, thời gian thu hồi vốn lâu. Do vậy Nhà nước cần có chính sách rõ ràng để
khuyến khích các DN tham gia quỹ như hỗ trợ lãi suất, triển khai các hợp đồng
BT… Ông Khánh cũng cho rằng một khi cải thiện được tính minh bạch trong mọi hoạt
động và có niềm tin từ cộng đồng, việc huy động vốn cho Quỹ sẽ được khả thi hơn.

Theo phân tích của
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Quỹ chỉ dùng cho phát triển nhà ở, những người muốn
vay lãi suất thấp từ quỹ này phải tham gia tiết kiệm đóng góp một thời gian. Người
đi sau hỗ trợ người đi trước, chính vì vậy sẽ không ảnh hưởng tới lạm phát cũng
như không đầu cơ…

Trước mắt Quỹ được
thành lập và hoạt động tại 2 địa phương là Hà Nội và TP.HCM, sau một thời gian
thực hiện sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi ra các địa phương. Quỹ sẽ có Hội
đồng quản lý quỹ với sự tham gia của các cơ quan liên quan như Xây dựng, Tài chính,
Ngân hàng, chính quyền địa phương. Quỹ sẽ ủy thác cho ngân hàng thương mại nhà nước
hoặc ngân hàng chính sách xã hội đứng ra trực tiếp thực hiện các giao dịch huy động
vốn, cho vay, thu hồi nợ. Quỹ sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của
ngân hàng được ủy thác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *