Trung tâm Thương mại Tam Kỳ

Năm 2007, đã diễn ra nhiều sự kiện sôi động đối với ngành thương mại – dịch vụ của Tam Kỳ. Nhiều khách sạn, nhà hàng lớn được xây dựng đưa vào sử dụng; nhiều cơ sở dịch vụ của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông… lần lượt khai trương đi vào hoạt động. Đặc biệt, Trung tâm Thương mại Tam Kỳ đi vào hoạt động từ tháng 9-2007, đã tạo những ấn tượng đối với người tiêu dùng ở khu vực thành phố và các vùng lân cận.
Có được kết quả đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Trần Nam Hưng là nhờ trong những năm gần đây, thành phố luôn quan tâm đến công tác đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đi cùng với đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp bền vững, Tam Kỳ đã đề ra nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi đối với hoạt động thương mại – dịch vụ. Trong năm 2007, thành phố đã xúc tiến thực hiện quy hoạch làng du lịch sinh thái Tam Ngọc, với diện tích 200ha; đầu tư xây dựng hạ tầng đường vào làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Thạch Tân (Tam Thăng), làm cầu vào làng nghề Tam Phú v.v.

Với những cơ chế ưu đãi vượt trội và môi trường đầu tư thông thoáng, năm 2007, Tam Kỳ đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Điển hình như Cụm dịch vụ khách sạn của Công ty TNHH Hiền Trang đã hoàn thành (giai đoạn I) đưa vào hoạt động từ cuối năm 2007, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Và có 3 khách sạn mới xây dựng đã đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng… Ngoài ra, tại Cụm Công nghiệp – dịch vụ – dân cư An Sơn đã thu hút được một dự án đầu tư du lịch sinh thái, với tổng đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Hiện tại trên địa bàn Tam Kỳ có 183 đơn vị và hơn 4.900 hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Tam Kỳ đã có 12 khách sạn đang hoạt động với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi như: My My, Lê Dung, Vĩnh Khánh, Hoàng Ngọc, Hùng Vương… với tổng số hơn 500 phòng. Nhờ hệ thống mạng lưới ngày càng phát triển, nên giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ của thành phố hàng năm tăng đáng kể. Kết thúc năm 2007, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2006 và chiếm tỷ trọng 57,9% trong cơ cấu GDP.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển thương mại – dịch vụ ở Tam Kỳ vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, nguồn vốn bố trí cho đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại – dịch vụ, nhất là du lịch còn quá ít; các loại hàng hóa, sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Số khách sạn đạt tiêu chuẩn sao chưa nhiều; dịch vụ ăn uống ở các nhà hàng chưa đạt chất lượng cao, các món ăn truyền thống chưa được phát huy. Mặt khác, công tác thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…

Để kích thích cho hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển mạnh trong những năm đến, theo ông Trần Nam Hưng, Tam Kỳ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới phát triển ngành thương mại – dịch vụ. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút đầu tư; dành một quỹ đất thích đáng cho xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp; đôn đốc các nhà đầu tư tiếp tục xúc tiến các dự án đã được cấp phép; tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ: tài chính, tín dụng, bảo hiểm, y tế, vận tải… được triển khai đồng bộ. Vậy nhưng, nguồn ngân sách của thành phố hiện nay có hạn, cho nên để giải bài toán về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng cho phát triển công nghiệp – thương mại-dịch vụ Tam Kỳ cần được UBND tỉnh cho phép có một cơ chế riêng .