Vực dậy thị trường BĐS: Quan trọng nhất là đầu ra

Thị trường BĐS hiện nay vẫn đang trong giai đoạn mất tính thanh khoản, mất sức mua. Đây là nguyên nhân dẫn đến rủi ro nợ đọng vốn trong đầu tư BĐS của cả người mua và người bán. Những rủi ro này đang ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, gây bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng, hạn chế tiềm năng tăng trưởng của cả nền kinh tế.


Người dân đang có xu hướng rút tiền gửi ngân
hàng chuyển sang kênh đầu tư khác, trong đó có BĐS.

Giải pháp 3 bên

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
cho biết, năm 2011 có đến 90% DN BĐS bị thua lỗ, hàng không bán được trong khi
phải trả lãi ngân hàng ở mức rất cao. Thứ trưởng Bộ Xây Nguyễn Trần Nam
cũng cho biết, sự đình đốn của một số ngành kinh tế động lực trong nhóm ngành BĐS
dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm, hoặc chỉ làm cầm chừng. Ngành
sản xuất xi măng đã tồn kho tới 3 triệu tấn (chưa kể tồn kho ở các đại lý) dẫn đến
nhiều nhà máy xi măng phải đóng cửa, vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu m2,
thép tồn kho 225 nghìn tấn… Trước những ảnh hưởng tiêu cực đang diễn ra như vậy,
bắt buộc phải nhanh chóng thực hiện những giải pháp để vực dậy, khơi lại sự chuyển
động thị trường này.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để “giải
cứu” được thị trường BĐS hiện nay cần sự chung tay từ ba phía: Nhà nước, ngân hàng
và bản thân các DN. Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ BĐS như tái
cơ cấu nền kinh tế, giảm thuế, miễn thuế, cải thiện Luật Đất đai, thủ tục hành
chính… Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại
các khoản nợ, hạ lãi suất, tư vấn cho DN… Bản thân DN cần tự hoàn thiện mình,
nâng cao năng suất lao động, thay đổi chiến lược, nhanh nhạy hơn trong mua bán
chuyển nhượng dự án, cơ cấu lại phân khúc khách hàng của mình. TS Lê Xuân Nghĩa
đề xuất: Vấn đề đầu tiên hiện nay là phải xử lý nợ xấu của các DN BĐS. Nợ cũ được
khoanh lại cho những DN có khả năng tồn tại và phát triển, tiến hành các hoạt động
mua bán nợ, phân loại nợ, phân loại DN. Bên cạnh việc nới lỏng tín dụng cho vay
đối với lĩnh vực BĐS như thời gian vừa qua, các ngân hàng cần linh hoạt hơn
trong việc đánh giá DN. Thực tế hiện nay gần như tài sản của các DN đã chuyển vào
tài sản thế chấp của các ngân hàng…

Chuyên gia kinh tế, ngân hàng Cấn Văn Lực phân
tích cụ thể hơn: Việc cơ cấu lại nợ sẽ giúp DN vượt nhiều khó khăn. DN sẽ có điều
kiện để giãn, hoãn nợ, đồng nghĩa với việc có thêm thời gian để cân đối tài chính
và trả nợ ngân hàng vào thời điểm thích hợp hơn. Để được cơ cấu lại nợ, DN phải
đáp ứng một số tiêu chuẩn, điều kiện của ngân hàng, qua đó sẽ phải tự hoàn thiện
mình và có biện pháp quản lý tài chính tốt hơn. Muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng,
DN phải nỗ lực hơn trong lập phương án kinh doanh, chứng minh với ngân hàng đây
chỉ là khó khăn tạm thời, dự án vẫn có tính khả thi và tiềm năng phát triển…

Quan trọng nhất là hỗ trợ đầu ra

Các chuyên gia kinh tế cũng đều nhận định, thị
trường BĐS hiện nay đang tắc ở khâu “cầu”, thị trường đóng băng do trước
đây người mua phần lớn là dân đầu cơ, nay chính sách siết chặt, không có lợi nên
không đầu tư. Trong khi đó, người thực sự có nhu cầu nhà ở vẫn rất cần nhưng không
có tiền. Đại diện một DN BĐS lớn thẳng thắn thừa nhận: Không vay được vốn ngân
hàng cũng chết mà vay được cũng chết nếu làm được nhà mà không bán được. Thị trường
BĐS quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm, cần sớm có chính sách hỗ trợ người dân
có tiền mua nhà. Theo ông Nguyễn Lam Sơn – Tổng giám đốc Cty Việt Trust, chỉ nên
giải cứu địa ốc bằng cách tài trợ cho người mua nhà, nếu hỗ trợ cho các DN nhiều
quá thì sẽ làm cho thị trường phát triển lệch lạc. Việc ưu đãi thuế cho DN chỉ có
thể xem là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chỉ có ưu đãi cho người mua nhà mới
có thể cứu được thị trường.

Ở các nước càng phát triển thì người dân càng
được vay mượn nhiều để mua nhà và hệ thống tài chính được tổ chức, vận hành chặt
chẽ, hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu vay mượn của người mua. Trong khi đó hệ thống
ngân hàng nước ta hiện chưa quan tâm hỗ trợ đầu ra cho người mua. Nếu ngân hàng
có tiền và người có nhu cầu tìm đến nhau thì sẽ làm thị trường sôi động trở lại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình
Dũng cũng nhận định: Vốn tín dụng cho thị trường rất quan trọng, tuy nhiên phải
với nguồn cung tín dụng ổn định và lãi suất thấp, đặc biệt là phải hướng tới người
mua nhà. Với lãi suất ưu đãi thì người mua mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đồng
thời phải cơ cấu lại hàng hóa BĐS, tăng tỷ trọng nhà ở quy mô vừa, nhỏ cho phù hợp
với nhu cầu thị trường…

Cùng với việc hạ lãi suất huy động, các ngân
hàng thương mại cũng đang thực hiện giảm lãi suất cho vay mua nhà đang từ 20%/năm
xuống 16%/năm. Người dân đang có xu hướng rút tiền gửi ngân hàng chuyển sang kênh
đầu tư khác, trong đó có BĐS. Đây cũng là tín hiệu đầu tiên để kỳ vọng vào đầu
ra cho thị trường BĐS, bên cạnh đó là sự kỳ vọng việc thành lập quỹ phát triển
nhà ở, quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS do các cơ quan chủ quản đang đề xuất, sẽ
tạo được nhiều kênh huy động vốn cung ứng cho thị trường BĐS.