Xây dựng hệ thống giao thông thông minh, kết cấu đồng bộ là cần thiết

Khi đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, mật độ dân số và các phương tiện giao thông gia tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp thì hệ quả tất yếu đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) là chìa khóa giải quyết vấn đề và là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai.


Tắc nghẽn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra

Giao thông thiếu xâu chuỗi

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, những
năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta được quan tâm đầu tư phát
triển nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu ở mức độ thấp. Đã đầu tư xây dựng được nhiều
công trình giao thông nhưng việc xâu chuỗi giữa các loại hình giao thông, giữa
quản lý và khai thác sử dụng, áp dụng công nghệ để khai thác hiệu quả công trình
đã đầu tư… còn nhiều hạn chế.

Nhìn vào bức tranh giao thông đô thị, đặc biệt
là 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thấy một thực tế đáng buồn là dù lãnh đạo
và các cấp chính quyền đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp chống ùn tắc nhưng vấn
nạn giao thông chưa được giải quyết triệt để, tắc nghẽn và tai nạn giao thông vẫn
thường xuyên xảy ra, ô nhiễm khói bụi từ các phương tiện giao thông làm ảnh hưởng
đến môi trường, sức khỏe con người ngày càng trầm trọng. Lý giải nguyên nhân không
khó, bởi với những TP đông dân như Hà Nội và TP HCM thì phương tiện giao thông
tăng đến chóng mặt nhưng hạ tầng giao thông lại thiếu, không theo kịp sự gia tăng
dân số và các phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân,
ý thức nhiều người tham gia giao thông chưa tốt…


Xây dựng và phát triển ITS là hướng đi của tương
lai

ITS và xây dựng HTGT đồng bộ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc xây dựng
kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phải tổ chức quản lý khai thác tốt
hạ tầng đã xây dựng từ phân luồng, điều tiết điều hành giao thông, nâng cao ý thức
người tham gia giao thông đến thi hành cưỡng chế, xử phạt, đưa phương tiện giao
thông hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống giao thông
thông minh (ITS) là những giải pháp cần làm trong thời gian tới để khắc phục tồn
tại nêu trên, đưa hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ và hiện đại. Như vậy, từ
quy hoạch, khảo sát thiết kế đến xây dựng và vận hành khai thác sử dụng các công
trình giao thông và các loại hình giao thông cần được đầu tư đồng bộ.

Nhấn mạnh vào những giải pháp đồng bộ từ quy
hoạch đến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, TS Khuất Việt Hùng,
Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải – Viện Quy hoạch và Quản
lý giao thông vận tải, trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Chúng ta cần
xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và tiếp tục đầu tư nâng cấp
phát triển cơ sở hạ tầng, cái gì chúng ta đang có cần sử dụng cho tốt, cần ứng
dụng giao thông thông minh, xây dựng mô hình giao thông tổng thể của quốc gia và
của các địa phương.

Ông Hùng phân tích: hiện mỗi lĩnh vực giao thông
có quy hoạch riêng và không có quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông quốc gia
thì khó có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt.

Một trong những khó khăn trong việc triển
khai thực hiện các quy hoạch giao thông, theo PGS.TS Đỗ Tú Lan – Phó Cục trưởng
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) là thực tế đồ án quy hoạch đã đưa tiêu chuẩn
hiện đạt hệ thống đồng bộ trong quy hoạch nhưng việc thực hiện và đầu tư xuất
hiện những bất cập như khu cũ mới, đa dạng hóa mô hình giao thông ….đòi hỏi tính
dự báo cần cao hơn nữa.

PGS.TS Đỗ Tú Lan đưa ra ví dụ: khi thực hiện đồ
án QHCXD thủ đô Hà Nội, các chuyên gia Úc đã cung cấp phần mềm về giao thông nhưng
ứng dụng vào giao thông Hà Nội thì không chạy nổi vì thiếu dữ liệu thông tin và
hệ thống quan trắc.

Ông Phan Minh Tuấn – Giám đốc Cty Giải pháp kỹ
thuật –Tập đoàn FPT khẳng định, với trình độ khoa học công nghệ thông tin hiện đại,
Việt Nam có thể tiếp quản và làm chủ các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào thực
tiễn, ứng dụng ITS giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Ông Tuấn cho biết, hiện
FPT đã và đang nghiên cứu những giải pháp hệ thống phân tích điều khiển dữ liệu,
trạm thu phí không dừng, hệ thống giám sát vi phạm giao thông… Hy vọng những giải
pháp này được ứng dụng sẽ tháo gỡ khó khăn cho giao thông ở các đô thị lớn nước
ta.